Từ đầu năm đến nay, cả nước có 23 tỉnh, thành phố xảy ra dịch bệnh Dại, làm chết và tiêu hủy 94 con chó. Tại Đắk Lắk, trong 4 năm qua (từ 2021-2024), tình hình bệnh Dại trên đàn chó, mèo có chiều hướng gia tăng. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã có 8 ca mắc bệnh Dại trên chó, mèo, đứng thứ 3 trên cả nước. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm 2024 đến nay đã có 4 trường hợp tử vong nghi do mắc bệnh Dại. Đối với địa Huyện M’drăk nói chung và đại bàn xã Ea Pil nói riêng, chưa phát hiện ca mắc bệnh dại. Nhưng với số lượng chó, mèo hơn 12,000 con, tỷ lệ tiêm phòng vắc xin Dại mới chỉ trung bình chỉ đạt 23%. Qua đó cho thấy nguy cơ bệnh Dại sẽ xuất hiện và gia tăng trong thời gian tới.
Trước những diễn biến phúc tạp về tình hình bệnh dại xảy ra ở nhiều địa phương trong tỉnh. UBND xã đã có văn bản chỉ đạo công tác tuyên truyền phòng chống bệnh dại. Ban Biên tập cung cấp nội dung tuyên truyền về phòng chống bệnh dại cụ thể như sau:
Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút dại gây ra, bệnh lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn của chó, mèo.
Cho đến nay bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người bị bệnh dại gần như tử vong 100%. Bệnh dại nguy hiểm nhưng đã có vắc xin phòng và người dân hoàn toàn có thể phòng tránh được bệnh dại.
* Để chủ động phòng chống bệnh dại, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
Một là: Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.
Hai là: Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm.
Ba là: Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.
Bốn là: Khi bị chó, mèo cắn cần:
– Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn.
– Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn.
– Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương.
– Đến ngay Trung tâm Y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng Dại kịp thời.
– Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh Dại.
Vì vậy, những gia đình có trẻ em nên hạn chế nuôi chó, mèo, vì trẻ em thường hay lê la, đưa vào miệng những vật dụng trên nền nhà. Tuyệt đối không cho trẻ ôm hôn chó mèo, nhất là phần đuôi của chó mèo, vì đuôi và lông dính rất nhiều chất thải. Đặc biệt là không cho trẻ nhỏ chọc phá, trêu ghẹo chó, mèo lạ, nhất là chó, mèo chạy rong ngoài đường.
* Quy định của pháp luật áp dụng về phòng bệnh động vật trên cạn:
- Theo qui định tại Khoản 1 và 2 Điều 7 Nghị định 90/2017/NĐ-CP, ngày 31/7/2017 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 04/2020/NĐ-CP).
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi không thực hiện việc phòng bệnh bằng vắc xin hoặc các biện pháp phòng bệnh bắt buộc khác cho động vật.
2. Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng;
b) Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.
Như vậy, đối với hành vi không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng thì sẽ bị xử phạt từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng.
- Theo quy định của pháp luật, trường hợp người nuôi chó không tuân thủ quy định dẫn đến chó cắn chết người thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực, chịu trách nhiệm bồi thường dân sự thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vô ý làm chết người" theo Khoản 1, Điều 128 Bộ luật Hình sự 2015 với mức hình phạt có thể đến 05 năm tù.